Nguồn nước cho ĐBSCL: Tài nguyên có còn mãi ?
Bài 3: Sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả
Sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả đang là xu hướng tất yếu không chỉ giúp giảm chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên cho tương lai.
Người dân trong vùng hạn mặn luôn ý thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: HOÀI THU
Từ gia đình
Mặc dù nước máy đã được kéo về tận nhà, nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hương và các thành viên trong gia đình ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, luôn tìm cách sử dụng nước một cách tiết kiệm nhất có thể. Bên cạnh việc nhắc nhở các thành viên trong gia đình cùng thực hành tiết kiệm nước thì một trong những phương pháp gia đình bà Hương áp dụng chính là việc sử dụng nước mưa, một nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có.
Trong nhà, bà Hương có hai bồn chứa nước mưa loại lớn được xây dựng cách đây hơn 15 năm. Mỗi khi có mưa lớn, gia đình bà đều tận dụng những bồn chứa này để đựng nước mưa tạo thành nguồn nước dự trữ sẵn để rửa chén, tưới cây mà không phải sử dụng đến nước máy. Theo bà Hương, việc sử dụng nước mưa không chỉ giúp gia đình bà giảm chi phí tiền nước hàng tháng mà xa hơn còn giúp giảm tải cho hệ thống cấp nước, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
“Vừa sử dụng nước mưa vừa sử dụng nước máy giúp tôi tiết kiệm hơn phân nửa tiền nước mỗi tháng. Nhưng mà xài nước mưa hay nước máy gia đình tôi đều phải tiết kiệm, bởi xài phung phí quá thì đâu có nước mà sử dụng, coi tin tức thấy nhiều vùng hạn mặn là thiếu nước nên cũng lo…”, bà Hương bộc bạch.
Không dừng lại ở đó, bà Hương còn tìm cách tận dụng triệt để nước sinh hoạt. Những phần nước vo gạo, rửa rau sau khi sử dụng được giữ lại để tưới cây. Ngoài ra, gia đình bà cũng trang bị các thiết bị tiết kiệm nước như vòi sen tiết kiệm, bồn cầu hai chế độ xả để hạn chế lãng phí.
Không riêng gia đình bà Hương mà hiện nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh cũng “để ý” tiết kiệm nước trong sinh hoạt hàng ngày. Đơn giản và thường gặp như để dành nước rửa rau để rửa chân, rửa dép,... Theo những gia đình này, tiết kiệm nước không phải là điều quá khó khăn hay xa vời. Chỉ cần thay đổi những thói quen nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi gia đình đều có thể góp phần bảo vệ nguồn nước, giảm chi phí và chung tay xây dựng một môi trường bền vững hơn.
Đến sản xuất
Không chỉ tiết kiệm nước trong đời sống mà trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân trong tỉnh cũng đang chuyển dần sang các phương thức sản xuất mới, bền vững kết hợp tiết kiệm nước như: Canh tác lúa áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ giúp giảm lượng nước nhưng không làm tăng năng suất lúa, giúp giảm chi phí, tăng thu nhập; hay trồng rau khí canh...
Toàn huyện Long Mỹ hiện có 15 nhà lưới của 6 tổ chức, cá nhân (5 hộ gia đình và 1 HTX) xây dựng, sản xuất cây trồng theo quy mô kinh doanh và có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: tưới nước bằng hệ thống tưới, bón phân qua hệ thống tưới, với tổng diện tích 15.450m². Các loại cây trồng được sản xuất gồm: dưa lưới, ớt, rau - cải các loại… Đó là chưa kể các nhà lưới có quy mô nhỏ, hộ gia đình.
Ông Võ Văn Trạng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho biết HTX hiện có 90 thành viên và đang triển khai mô hình trồng ớt sừng vàng trong hệ thống nhà lưới hiện đại. Với tổng diện tích 7.000m², mỗi nhà lưới rộng khoảng 1.000m², cây ớt được chăm sóc theo quy trình khép kín, giúp tối ưu năng suất.
“Cây ớt được trồng trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nên tiết kiệm được nước, kiểm soát độ ẩm, bảo vệ cây khỏi sâu bệnh. Ban đầu, từ sản xuất truyền thống chuyển sang trồng theo hướng công nghệ cao, bà con ai cũng bỡ ngỡ nhưng dần đã quen, bởi đây là xu hướng tất yếu”, ông Võ Văn Trạng bày tỏ.
Hay ở huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Bé Lượm, ở xã Phú Tân là người tiên phong trồng rau khí canh trụ đứng. Với nhà lưới rộng 2.000m², ông Lượm có 2.000 trụ trồng rau bằng ống nhựa PVC, mỗi trụ dài 2m, với thiết kế 45 rọ rau, nằm so le nhau. Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, vườn rau càng cua của ông hiện phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Yếu tố quan trọng giúp vườn rau của ông phát triển bền vững là hệ thống tưới nước tuần hoàn tự động, tiết kiệm nước hiệu quả. Với công nghệ này, hệ thống nước tưới được thiết kế tuần hoàn, nước từ bể theo đường ống truyền đến rễ cây, sau đó nước được lắng lại quay ngược xuống bể.
Cũng trong nông nghiệp, đề án 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững đã cho thấy hiệu quả tích cực, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ có thể giảm lượng nước sử dụng và khí thải mê-tan trong canh tác lúa. Tiết kiệm được hơn 120m3 nước/công ruộng, giảm gần phân nửa so với truyền thống. Với diện tích hơn 30ha ban đầu, đến nay diện tích của Liên hiệp Hợp tác xã lúa gạo Xà No Mekong đã tăng lên 1.000ha. Nông dân thấy được lợi ích của việc sản xuất theo mô hình “Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” nên ai nấy cũng mạnh dạn tham gia.
Ông Nguyễn Văn Thích, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã lúa gạo Xà No Mekong, chia sẻ: Kỹ thuật canh tác ngập - khô xen kẽ có hiệu quả rất lớn đối với quá trình canh tác lúa, đặc biệt là giảm lượng nước sử dụng trên đồng ruộng. Có những ngày khô, những ngày ướt để giúp bộ rể cây lúa ăn sâu xuống đất, lấy chất dinh dưỡng. Qua đó, giúp cây lúa cứng và khỏe, không đổ ngã.
Cùng với mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, việc sản xuất thuận thiên tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đang dần trở thành xu hướng tất yếu. Là khu vực nằm ngoài đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, hiện nay đã có nhiều hộ nuôi thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh “một vụ lúa, một vụ tôm”.
Ông Võ Văn Bảo, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, cho biết: “Trước đây vùng ngoài đê bao này là đất lá và gia đình cũng đã chuyển đổi mô hình nuôi tôm từ năm 2016. Ban đầu thì nuôi tôm sú, nhưng từ năm 2023 đến nay thì chuyển sang nuôi tôm càng xanh kết hợp với tôm sú. Nuôi tôm sú thì 2 tháng thu hoạch, còn tôm càng thì 6 tháng. Gia đình nuôi được 1ha, trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha. Nuôi tôm thì chỉ cần điều chỉnh nồng độ mặn phù hợp là được, sau vụ lúa Đông xuân này người dân ở đây tiếp tục nuôi lại vụ tôm mới”.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, các năm qua xã đã hướng dẫn bà con chuyển đổi mô hình một vụ tôm, một vụ lúa. Định hướng của địa phương sắp tới đây sẽ vận động, tuyên truyền cho bà con mở rộng khu vực ngoài đê bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để thực hiện mô hình tôm - lúa. Đồng thời mời các chuyên gia, ngành nông nghiệp hỗ trợ cho địa phương chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như hướng dẫn bà con thực hiện mô hình đạt hiệu quả.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Long Mỹ là vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì mặn đến sớm ảnh hưởng đến việc canh tác cây trồng cạn. Chính vì vậy, huyện có định hướng chuyển đổi từ mô hình chuyên lúa sang mô hình lúa thủy sản, nhất là trong mùa khô này để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và đến thời điểm này đã chuyển đổi được khoảng 150ha tôm - lúa. Một trong những mô hình mà lãnh đạo tỉnh chỉ đạo là nuôi tôm kết hợp với trồng lúa và trong những năm gần đây đã mang lại hiệu quả bền vững cho người nông dân. Huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở các vùng xâm nhập mặn trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Hàng năm, huyện đều có dùng nguồn ngân sách để hỗ trợ về giống cho người dân ở những vùng bị ảnh hưởng mặn của xã Lương Nghĩa, và tới đây là Lương Tâm và Xà Phiên của huyện Long Mỹ, và khả năng nhân rộng lên gần 500ha vùng ngoài đê bao của huyện.
Việc sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả không chỉ góp phần giảm chi phí sinh hoạt mà còn bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các giải pháp như tận dụng nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày, hay ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện mô hình thuận thiên tôm - lúa đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Những phương pháp này không chỉ giúp gia đình và nông dân giảm bớt gánh nặng chi phí mà còn nâng cao năng suất và bảo vệ tài nguyên nước cho tương lai. Hướng đi này đang mở ra một mô hình quản lý tài nguyên nước thông minh, bền vững và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
HOÀI THU - MỘNG TOÀN
Tóm tắt bài viết 'Sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả'
1. Tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước
- Nước sạch là tài nguyên quý giá 💧, cần thiết cho sự sống và các hoạt động hàng ngày của con người.
- Thiếu nước sạch 🚱 có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
2. Thực trạng sử dụng nước hiện nay
- Lãng phí nước 💦 diễn ra phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày, từ việc sử dụng không hợp lý đến việc không chú ý đến các hành vi nhỏ như để vòi nước chảy khi không cần thiết.
3. Biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả
- Tắt vòi nước khi không sử dụng 🚰: Hành động nhỏ như tắt vòi nước khi đánh răng, rửa mặt có thể góp phần lớn vào việc tiết kiệm nước.
- Kiểm tra và sửa chữa rò rỉ 🔧: Thường xuyên kiểm tra đường ống, bể chứa để phát hiện và khắc phục kịp thời các rò rỉ, tránh thất thoát nước.
- Tận dụng nước mưa 🌧️: Sử dụng thùng chứa để thu gom nước mưa, dùng cho các hoạt động như rửa xe, tưới cây, giúp giảm sử dụng nước sạch.
- Giảm sử dụng hóa chất 🧪: Hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để tránh ô nhiễm nguồn nước.
4. Vai trò của cộng đồng và chính quyền
- Nâng cao nhận thức 🧠: Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.
- Chính sách hỗ trợ 📜: Chính quyền cần ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ việc sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước.
Kết luận
Sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả không chỉ bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững 🌍 cho thế hệ hiện tại và tương lai.