Để phục vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, sáng 03/6, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cho ĐBQH là thành viên của Ủy ban khảo sát việc khai thác, sản xuất kinh doanh nước sinh hoạt trên địa bàn Tp.Hà Nội.
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy dẫn đầu Đoàn Khảo sát. Tham dự Đoàn Khảo sát có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban và các thành viên; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và cán bộ lãnh đạo của Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết: Chương trình của Đoàn khảo sát gồm làm việc với Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống. Đoàn sẽ xem xét thực tế quy trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước ngầm để sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt; việc bảo vệ nguồn nước trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình; đảm bảo nước sinh sinh hoạt cho người dân sử dụng đặt trong xu hướng sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…
Ngoài ra, Đoàn Khảo sát còn mong muốn lắng nghe ý kiến, đề xuất của các công ty về giá sản xuất, giá bán nước sinh hoạt hiện nay đã phù hợp chưa, chất lượng nguồn nước dưới đất, nguồn nước mặt phục vụ khai thác, sử dụng; đơn giá nước và giá bán nước, xã hội hóa cấp nước sạch có vướng mắc gì hay không? Bên cạnh việc xem xét về thực trạng khai thác, sử dụng nước; sản xuất, kinh doanh nước... Đoàn sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc; ý kiến đóng góp cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và các kiến nghị, đề xuất của các Công ty…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.
Cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Tạ Kỳ Hưng - Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội đề xuất việc đảm bảo công tác khai thác, sản xuất và kinh doanh nước sạch ổn định, đáp ứng mục tiêu cấp nước an toàn, nhu cầu sử dụng cho người dân trên địa bàn phía Bắc sông Hồng.
Theo đó, Công ty đề xuất với Đoàn Khảo sát tiếp tục duy trì việc khai thác nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước cấp, giữ nguyên hiện trạng các giếng khai thác để đảm bảo cấp nước an toàn cũng như quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện cấp phép khoan thay thế các giếng hiện trạng khi có sự cố, suy thoải.
Ngoài ra, Công ty cũng đề xuất điều chỉnh chế độ cấp phép khai thác với công suất khai thác tính bình quân theo năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động khai thác, sản xuất và cấp nước phù hợp với nhu cầu sử dụng, đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân, tránh tình trạng thiếu nước, mất nước trong những ngày nắng nóng, nhu cầu tăng cao.
Ông Tạ Kỳ Hưng - Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn Khảo sát.
Ông Tạ Kỳ Hưng cũng cho rằng, cần tăng cường chế tài kiểm tra, giám sát công trình khai thác không đảm bảo làm ô nhiễm nguồn nước, gây nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh đó là nghiên cứu, bổ sung quy định trường hợp xảy ra thiên tai, hạn hán, thiếu nước sinh hoạt thì được phép gia tăng lưu lượng khai thác vượt quá công suất cho phép trong giấy phép khai thác, đồng thời tạm thời không áp dụng biện pháp hạn chế khai thác trong khoảng thời gian này. Sớm ban hành các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cụ thể đối với các doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước (sử dụng nước tuần hoàn trong quá trình khai thác, sản xuất nước sạch; quản lý hệ thống cấp nước hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát nước).
Về phía Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống, ông Đỗ Hoàng Long - Tổng Giám đốc Công ty đề xuất với Đoàn Khảo sát xem xét để UBND Tp.Hà Nội sớm phê duyệt điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt thay thế giá bán đã ban hành và thực hiện trong 10 năm (từ 2013 đến nay) để kịp thời áp dụng, bù đắp chi phí do biến động giá, đảm bảo khả năng thanh toán, cân đối, hài hòa cho các đơn vị cấp nước ổn định hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó là giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện cấp nước, giảm ngầm các Nhà máy nước ngầm theo đúng Quy hoạch cấp nước Thủ đô đã được phê duyệt nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các đơn vị cấp nước, đảm bảo an ninh, an toàn cấp nước cho khu vực Thủ đô.
Ông Đỗ Hoàng Long - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.
Đóng góp vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Đỗ Hoàng Long cũng đề xuất nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập giữa quy định về cấp nước đô thị và cấp nước sạch nông thôn. Nhiều trường hợp công trình cấp nước đô thị giáp ranh khu vực nông thôn, có khả năng cấp nước nhưng lại không được phép cấp nước cho khu vực nông thôn hoặc ngược lại, công trình cấp nước sạch nông thôn giáp ranh khu vực đô thị cũng không được cấp nước cho dân cư đô thị; hoặc trường hợp quá trình đô thị hóa, nhiều vùng nông thôn trở thành đô thị nên phải bàn giao, chuyển đổi công trình cấp nước nông thôn sang đơn vị quản lý công trình quản lý cấp nước đô thị… Do vậy, cần nghiên cứu, xem xét hợp nhất, thống nhất nhiệm vụ cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, thay mặt Đoàn Khảo sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của 2 Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống. Theo đó, các ý kiến tập trung vào tình hình hoạt động của các công ty, đề xuất các giải pháp để hoạt động sản xuất, cung cấp, sử dụng nước, đặc biệt là khai thác nguồn nước mặt và nước ngầm đảm bảo an toàn, chất lượng và thuận lợi hơn. Ngoài ra, các công ty cũng đề cập về vấn đề giá bán nước, xã hội hóa việc cấp nước sạch, sửa đổi Thông tư 44/2021/TT của Bộ Tài chính để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nước sạch…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc với Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Tổ và tại Hội trường trong kỳ họp thứ 5 này. Những ý kiến, đề xuất của các Công ty sẽ được Ủy ban cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trong khuôn khổ chuyến khảo sát, Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường còn trực tiếp đến xem xét mô hình khai thác, sản xuất nước của 2 Công ty trên./.
Một số hình ảnh của Đoàn đoàn Khảo sát:
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn Khảo sát với Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc với Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội.
Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét thực tế mô hình khai thác, sản xuất nước của Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội.
Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống.
Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét thực tế mô hình khai thác, sản xuất nước của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống./.
Nguồn: Bích Lan-Bùi Hùng - https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=76587
-----------------------------------------
- ⚜️ Cell phone/Zalo/Whatsapp: 091 8182 587
- ⚜️ Email: hoangcuong@lacvietco-jsc.com.vn
-----------------------------------------