icon icon icon

Kiểm định đồng hồ nước ở Việt Nam

Đăng bởi Hà Thơm vào lúc 29/08/2024

Kiểm định đồng hồ nước ở Việt Nam

Đồng hồ nước là thiết bị ghi lại lượng nước tiêu thụ để tính toán chi phí nước, đóng vai trò quan trọng trong giám sát việc sử dụng nước của các hộ gia đình.

1. Đồng hồ truyền thống và đồng hồ điện tử

Trong văn bản kỹ thuật Đo lường Việt Nam (ĐLVN) 17:2017 Mục 2, Giải thích từ ngữ có ghi: “Đồng hồ đo nước bao gồm: đồng hồ nước lạnh cơ khí, đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử, đồng hồ nước nóng và đồng hồ nước chưa qua xử lý (sau đây gọi tắt là đồng hồ), là dụng cụ dùng để đo liên tiếp, ghi nhớ và hiển thị thể tích hoặc khối lượng nước đi qua bộ chuyển đổi đo ở điều kiện đo.

Kiểm định đồng hồ nước ở Việt Nam - Ảnh 1.

Đồng hồ nước lạnh cơ khí là đồng hồ nước có bộ phận chỉ thị hoặc bộ phận tính toán, lưu trữ bằng cơ khí.

Đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử là đồng hồ nước có bộ phận chỉ thị và một số hoặc tất cả các bộ phận cảm biến, tính toán, lưu trữ điện tử bao gồm các loại đồng hồ kiểu điện từ, siêu âm, vortex, coriolis.

Với hai loại đồng hồ nước cơ khí, có cơ cấu hiển thị bằng cơ khí, và đồng hồ nước cơ cấu điện tử, hiển thị bằng điện tử, chu kỳ kiểm định khác nhau.

Theo Điều 4. Danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo, Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN và Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN, ngày 26/07/2019, chu kỳ kiểm định đồng hồ nước lạnh cơ khí là 60 tháng (5 năm), và với đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử là 36 tháng (3 năm).

Về phương pháp kiểm định, cả hai loại đồng hồ nước nói trên đều sử dụng một trong các phương pháp kiểm định theo sơ đồ nguyên lý.

Sơ đồ nguyên lý kiểm định theo phương pháp bình chuẩn.

Hình 1. Sơ đồ nguyên lý kiểm định theo phương pháp bình chuẩn.

Sơ đồ nguyên lý kiểm định theo phương pháp đồng hồ chuẩn.

Hình 2. Sơ đồ nguyên lý kiểm định theo phương pháp đồng hồ chuẩn.

2. Quy định và tiêu chuẩn

Đồng hồ nước đo đếm lượng nước sử dụng của khách hàng lắp đặt trên hệ thống cấp nước của các đơn vị trên cả nước phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn, cụ thể:

- Căn cứ Luật đo lường số 04/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội Việt Nam về đo lường;

- ĐLVN 17:2017 - Đồng hồ đo nước, quy trình kiểm định;

- ĐLVN 96:2017 - Đồng hồ đo nước, quy trình thử nghiệm;

- Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ khoa học và Công nghệ về việc quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2;

- Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Bộ khoa học và công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2;

- Tiêu chuẩn thiết kế đồng hồ nước tham khảo: TCVN 8779 - 2011(ISO 4064) hoặc OIML R49.

3. Khi nào cần kiểm định

Có 3 trường hợp cần kiểm định: Kiểm định các thiết bị đo nước lần đầu tiên đưa vào sử dụng, kiểm định theo định kỳ (đồng hồ nước hết hạn kiểm định và cần kiểm định cho chu kỳ kiểm định tiếp theo) và kiểm định sau sửa chữa, theo Công ty TNHH Thương mại Tuấn Hưng Phát.

Kiểm định sau sửa chữa đồng hồ nước có các trường hợp: Đồng hồ sửa chữa do không đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật về đo lường lưu lượng; Các chứng chỉ kiểm định, tem kiểm định, niêm phong kẹp chì kiểm định bị mất, có dấu hiệu bị đứt niêm phong, tem niêm phong bị xé hư hỏng tem và niêm phong chì; Kiểm định lại theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền nhằm thanh tra, kiểm tra thiết bị đo và Kiểm định đồng hồ đo nước khi có nghi ngờ về kết quả đo sai lệch so với ước lượng thực tế

Kiểm định đồng hồ đo nước thực hiện nhằm đáp ứng được các loại đồng hồ đo nước đưa vào sử dụng hoạt động một cách chính xác nhất, các giá trị đo đạc khi đưa vào sử dụng với sai số nằm trong phạm vi cho phép trong các yêu cầu, quy định chung về thiết bị đo lường tại Việt Nam.

4. Quy trình kiểm định

Theo mục 7. Tiến hành kiểm định, ĐLVN 17:2017 - Đồng hồ đo nước, quy trình kiểm định, các bước kiểm định đồng hồ nước bao gồm 03 bước cơ bản: 

Bước 1: Kiểm tra bên ngoài: Kiểm tra về cỡ, hình dáng, nhãn hiệu, ký hiệu, cơ cấu niêm phong…

Bước 2: Kiểm tra kỹ thuật: Kiểm tra độ kín của đồng hồ, độ ổn định số chỉ đồng hồ khi dòng chảy dừng.

Bước 3: Kiểm tra đo lường: Kiểm tra độ bền, sai số đồng hồ tại các điểm lưu lượng.

5. Chi phí kiểm định 

Kiểm định đồng hồ đo nước với niêm phong dây chì ở mặt số hiển thị và đầu nối ren hoặc khớp tháo lắp đồng hồ nhằm mục đích chứng nhận đồng hồ đo lưu lượng đạt tiêu chuẩn, hoạt động tốt và đầy đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ.

Bởi vậy, trong quá trình mua đồng hồ nước, chi phí kiểm định đồng hồ nước do khách hàng chi trả thêm ngoài chi phí mua đồng hồ đo lưu lượng nếu có yêu cầu.

6. Mong muốn nâng cao thời hạn kiểm định 

Kiểm định đồng hồ nước là điều cần thiết trong quản lý, vận hành cấp nước, cũng như tránh được những trường hợp lợi dụng đồng hồ đo nước không có kiểm định, bán đồng hồ đo nước kém chất lượng, sai lệch số đo, tự ý tháo lắp, thay thế hoặc thêm nam châm, các thiết bị bên ngoài vào đồng hồ lưu lượng nước nhằm trục lợi gian lận nước hoặc bán giá rẻ hơn rất nhiều so với trên thị trường.

Kiểm định đồng hồ nước ở Việt Nam - Ảnh 4

Một đại diện của Sawaco nhận định, quy định thời hạn như chính sách hiện hành khiến các công ty gặp nhiều trở ngại về chi phí quản lý, vận hành. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm định định kỳ theo quy định, đơn vị cấp nước phải gửi thông báo chi tiết đến từng khách hàng khi đơn vị cấp nước thay thế đồng hồ nước. Trong khi đó, thời gian thay thế đồng hồ ngắn khiến phát sinh liên tục chi phí liên quan đến công tác kiểm định như chi phí nhân công tháo lắp, chi phí kiểm định.

Liên quan đến Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, Sawaco đã nhiều lần đề xuất tăng chu kỳ kiểm định đối với cả hai loại đồng hồ nước để giải quyết các trở ngại đối với chu kỳ kiểm định.

Đồng thời, Sawaco cũng mong muốn Hội Cấp thoát nước Việt nam hỗ trợ các đơn vị cấp nước kiến nghị kéo dài chu kỳ kiểm định đối với đồng hồ nước lạnh cơ khí và đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử.
Nguồn: https://tapchinuoc.vn/

Tags : cách kiểm định đồng hồ nước sau sửa chữa chi phí kiểm định chi phí kiểm định đồng hồ nước chu kỳ kiểm định chu kỳ kiểm định đồng hồ nước lạnh kiểm định đồng hồ nước kiểm định đồng hồ nước tại Việt Nam phương pháp kiểm định phương pháp kiểm định đồng hồ nước quy trình kiểm định quy trình kiểm định đồng hồ nước quy định pháp lý quy định về kiểm định đồng hồ nước sửa chữa đồng hồ nước tiêu chuẩn kiểm định đồng hồ nước tiêu chuẩn đo lường đồng hồ nước điện tử yêu cầu kiểm định đồng hồ đo nước đồng hồ nước lạnh đồng hồ nước lạnh cơ khí và điện tử
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

DỰ ÁN