icon icon icon

Phương án phát triển cấp nước Hà Nội trong Quy hoạch Thủ đô

Đăng bởi Hoàng Cường vào lúc 08/08/2023

Phương án phát triển cấp nước Hà Nội trong Quy hoạch Thủ đô

Cần xác lập vùng cấp nước an toàn

Nhằm phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, TP Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến sở ngành, chuyên gia về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực để tích hợp vào quy hoạch.

Lĩnh vực hạ tầng đô thị, trong đó có lĩnh vực cấp nước nước sạch đã nhận được sự quan tâm góp ý về các vấn đề còn tồn tại và đề xuất phương án quy hoạch mang tính khả thi, sát thực tiễn.

Mạng lưới nước sạch chưa phủ hết vùng nông thôn

Trước đây, Hà Nội có hai quy hoạch cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn riêng biệtngười dân phải dùng nước theo hai tiêu chuẩn khác nhau. Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định 554/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó đã có Quy hoạch nước sạch toàn TP bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn, có chung một tiêu chuẩn dùng nước theo Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

Nguồn cung cấp nước sạch cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% khu vực đô thị,
Nguồn cung cấp nước sạch cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% khu vực đô thị,

Tại quy hoạch này đã xác định tổng công suất nguồn cấp đến năm 2025 là khoảng 2.383.000m3/ngđ; đến năm 2030 là khoảng 2.850.000m3/ngđ; đến năm 2050 là khoảng 3.595.000m3/ngđ. Đặc biệt, xác định ưu tiên khai thác sử dụng nguồn nước mặt từ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống nhằm giảm dần khai thác nguồn nước ngầm, nguồn nước ngầm dự trữ cấp nước an toàn.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay, hiện 4 dự án cấp nước TP đang triển khai đều là những dự án nguồn nước mặt như dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng, Nhà máy nước Xuân Mai, nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đà, Nhà máy nước Bắc Thăng Long – Vân Trì. Các nhà máy nước đã được kết nối nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho cả TP.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, với tổng công suất các nguồn cấp hiện có đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% khu vực đô thị, tuy nhiên bài toán đặt ra là sớm phủ được mạng cấp nước toàn bộ khu vực nông thôn. Đến nay vẫn còn 139/413 xã (chiếm 15%) chưa hoàn thành mạng cung cấp nước sạch. Đặc biệt, một số huyện còn nhiều xã đang là “khoảng trắng” về mạng cung cấp nước sạch như Thạch Thất 11/23 xã; Chương Mỹ 15/32 xã; Ứng Hòa 22/29 xã; Mỹ Đức 21/22 xã; Thường Tín 21/29 xã, Sóc Sơn 15/26 xã.

Nêu nguyên nhân của tình trạng này, ông Võ Nguyên Phong cho hay, giá trị đầu tư vào cấp nước sạch nông thôn khá lớn nhưng việc sử dụng lại đang rất ít. Theo tính toán, đầu tư 1km tại khu vực đô thị có tới hàng nghìn hộ sử dụng nhưng 1km tại khu vực nông chỉ có vài hộ đấu nối nên hiệu quả hiệu quả kinh tế rất thấp, do đó các nhà đầu tư thường “ngại” đầu tư vào khu vực này.

“TP đang khẩn trương lựa chọn đơn vị để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng cấp nước đảm bảo cấp nước đến toàn bộ các xã vào năm 2025. Nhưng để nâng công suất sử dụng, chính quyền các địa phương cần tích cực tuyên truyền vận động người dân đấu nối vào hệ thống mạng cấp nước tập trung của TP. Hiện người dân tại nhiều địa bàn nông thôn vẫn sử dụng kết hợp nhiều nguồn nước, từ hệ thống cấp nước tập trung, nước giếng khoan, nước mưa…” – ông Võ Nguyên Phong nêu.

Rà soát kỹ hiện trạng để có quy hoạch sát thực tiễn

Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến sở ngành, chuyên gia về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Đối với lĩnh vực cấp nước, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong đề xuất, hiện có ba vấn đề lớn mà Quy hoạch Thủ đô tới đây cần đề cập kỹ, thứ nhất là tiếp tục giảm khai thác sử dụng nguồn nước ngầm.

Thứ hai là nâng cao chất lượng cấp nước, thực tế thời gian qua một số cơ sở sản xuất nước sạch vẫn chưa đảm bảo chất lượng. Do đó rất cần có hệ thống để kiểm soát chặt chẽ được chất lượng nước theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

Thứ ba, có lộ trình để cải tạo hệ thống đường ống cũ nhằm giảm tỷ lệ thấy thoát nước sạch, hiện tỷ lệ thất thoát nước sạch của Hà Nội vẫn tương đối cao là 15%.

Công nhân vận hành hệ thống sản xuất nước sạch tại Nhà máy Nước mặt sông Đuống
Công nhân vận hành hệ thống sản xuất nước sạch tại Nhà máy Nước mặt sông Đuống. Ảnh: VGP

Về góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây Dựng góp ý, liên quan đến các lĩnh vực hạ tầng trong đó có vấn đề cấp nước, TP Hà Nội cần có đánh giá rất kỹ việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng theo quy hoạch, tính liên kết trong phát triển thời gian qua.

Từ đánh giá rõ hiện trạng mới có phương án quy hoạch mang tính thực tiễn, khả thi cao. Đồng thời, phải lựa chọn tiêu chuẩn để quy hoạch nhằm đảm bảo tính khả thi, nếu đề ra tiêu chuẩn, quy mô quá lớn sẽ rất khó để kêu gọi được nhà đầu tư vào thực hiện.

“Theo quy hoạch, năm 2025 dự kiến tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn TP Hà Nội đạt hơn 2,3 triệu m3/ngđ nhưng thực tế đến điểm này mới đạt hơn 1,5 triệu m3/ngđ” - PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề xuất trong Quy hoạch Thủ đô phải phân được vùng cấp nước dựa trên định hướng phát triển không gian theo điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đang thực hiện. Trong quy hoạch này cũng cần thể hiện những công trình đầu mối và mạng truyền tải cấp 1, mà không đề cập quá chi tiết mạng lưới đường ống cấp 2, 3… Cuối cùng là đề xuất được các dự án ưu tiên theo từng giai đoạn, trước mắt cần đề xuất luôn cho giai đoạn 2026 – 2030.

GS.TS Trần Đức Hạ (trường Đại học Xây dựng) cho rằng, để chủ động nguồn nước ngoài việc chú trọng vào các con sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, Hà Nội cần quan tâm tới các hồ được phân bố rất nhiều tại quận huyện, đặc biệt nhiều hồ lớn như hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh….

Hiện nay các hồ này đang thực hiện vai trò chính là cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp nhưng trong tương lai khi Hà Nội đô thị hóa mạnh mẽ thì đây sẽ là nguồn cấp nước cho sinh hoạt. Vì vậy, trong Quy hoạch Thủ đô rất cần đề cập đến vai trò của hồ Hà Nội trong việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt.

Về chất lượng, an ninh nguồn nước GS.TS Trần Đức Hạ cho rằng Hà Nội đã có bài học rất lớn từ sự cố Nhà máy nước sông Đà vài năm trước. Thế nên, trong quy hoạch lần này rất cần đề cập đến các vùng cấp nước an toàn, đây cũng đồng thời là vùng dự trữ nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay.  

“Trong phương án phát triển cấp nước để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, đơn vị tư vấn đã đề xuất về kết cấu mạng lưới cấp nước sẽ theo kết cấu mạng vòng trên toàn địa bàn TP Hà Nội. Tôi thấy điều này là không sát thực tế và thiếu khả thi. Đối với khu vực đô thị thì chúng ta có thể đầu tư mạng cấp vòng nhưng với khu vực nông thôn các huyện có địa hình rất khác nhau và có nhiều khu vực tách biệt nên việc đầu tư mạng lưới vòng như gây tốn kém. Do đó tại các vùng nông thôn nên là các vùng cấp nước tách biệt theo từng khu vực địa hình” - GS.TS Trần Đức Hạ

Vũ Lê - https://kinhtedothi.vn/

Tags : Krohne Krohne CHLB Đức năm 2025 là khoảng 2.383.000m3/ngđ năm 2030 là khoảng 2.850.000m3/ngđ năm 2050 là khoảng 3.595.000m3/ngđ Nhà máy nước Bắc Thăng Long – Vân Trì Nhà máy nước mặt sông Hồng Phương án phát triển cấp nước Hà Nội Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030 tin tức ưu tiên khai thác sử dụng nguồn nước mặt Đồng hồ đo lưu lượng nước
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

DỰ ÁN