Bàn về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng dự luật "thiếu vắng" những nội dung về nước sạch, nước sinh hoạt.
Chiều 20/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến, các vị đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước để khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước, chủ động tích cực trữ nước, điều tiết đảm bảo đủ nước cung cấp sinh hoạt, sản xuất đời sống, thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản trị, phát triển tài nguyên nước.
Góp ý vào các điều khoản cụ thể để hoàn thiện dự thảo luật, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới chính sách cấp nước sạch cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân. (Đoàn Bình Dương) |
Bày tỏ đặc biệt quan tâm đến chính sách này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của người dân. Tại Việt Nam, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy hiện nay chỉ chiếm khoảng 52%, đặc biệt, tỷ lệ này ở thành thị là 84,2%, trong khi đó, tại nông thôn chỉ đạt 34,8%. Theo ước tính của UNICEF, Việt Nam có khoảng 52% trẻ em, tương đương với 17 triệu trẻ em chưa được sử dụng nước sạch. Thiếu nước sạch và vệ sinh kém được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Đại biểu cũng dẫn thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có 37 làng ung thư, trong đó có đến 10 làng ung thư có nguồn nước bị ô nhiễm nặng, con số này là rất đáng báo động. Người dân có quyền được tiếp cận nước sạch và trách nhiệm của Chính phủ đối với nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, đặc biệt đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Vì vậy, đại biểu kiến nghị tại Điều 5 dự thảo luật bổ sung nội dung "Nhà nước có quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước sạch cho người dân; đầu tư hệ thống cấp nước sạch liên xã, liên huyện, liên tỉnh và hệ thống cấp nước sạch cho toàn vùng; quy định phạm vi trách nhiệm bảo vệ công trình cấp nước cho cộng đồng”.
Cũng theo đại biểu, hiện nay, thực hiện quy định hiện hành về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã bộc lộ hạn chế. Cụ thể, việc quản lý cấp nước đô thị và khu công nghiệp tại địa phương giao cho Sở Xây dựng, còn khu vực nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này dẫn đến tình trạng đơn vị cấp nước đô thị không được cấp nước cho khu vực nông thôn và ngược lại, mặc dù đơn vị có đủ năng lực cấp nước và rất gần nơi người dân đang sinh sống, làm cho người dân không có nước sạch để sử dụng. Chính vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ giao thống nhất một đầu mối quản lý công trình cấp nước sạch cho người dân tại khoản 5 Điều 76 như sau: “Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp quản lý nhà nước về xây dựng vận hành các công trình cấp nước, thoát nước đô thị và nông thôn đảm bảo các quy định về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước”.
Bên cạnh đó, kiến nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các công ty cấp nước sạch, nhất là bồi thường thiệt hại cho người dân tại Điều 28, khoản 2 Điều 45 của dự thảo luật để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch cho người dân. Đại biểu nêu thực tiễn tại Phần Lan, nước sạch có thể sử dụng trực tiếp tại vòi nước sinh hoạt của từng căn hộ. Việc ngừng cấp nước, các sự cố về nước và quản lý rủi ro về nước được xác định bằng cách tính tổng số thời gian ngưng cấp nước trong một năm. Người sử dụng có thể yêu cầu đền bù chi phí cấp nước tối thiểu 2% nếu số thời gian này vượt quá 12 giờ trong năm. Việc đảm bảo chất lượng dịch vụ cấp nước tại Phần Lan được xem như là vấn đề sống còn của doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp quản lý rất chặt chẽ vấn đề này.
Cũng theo đại biểu, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung công tác quản lý giá cung cấp nước sạch vì hiện nay giao cho các doanh nghiệp cấp nước sạch tự lập phương án về giá, sau đó trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định, trong khi đó chưa có nhiều tổ chức độc lập, có năng lực về tư vấn, kiểm định, thẩm định giá nước sạch nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của đơn vị cung cấp nước sạch và người dân. Đại biểu cũng kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ trợ giá nước sạch cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị cần nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập giữa những quy định về cấp nước đô thị và cấp nước nông thôn. Nhiều trường hợp công trình cấp nước đô thị giáp ranh khu vực nông thôn, có khả năng cấp nước nhưng lại không được cấp phép cấp nước cho khu vực nông thôn hoặc ngược lại công trình cấp nước sạch nông thôn giáp ranh khu vực đô thị cũng không được cấp nước cho khu vực cư dân đô thị, hoặc trong quá trình đô thị hóa, nhiều vùng nông thôn đã trở thành đô thị thì phải bàn giao, chuyển đổi công trình cấp nước nông thôn sang đơn vị quản lý mới. Do đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, thống nhất hợp nhất nhiệm vụ cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn.
Đại biểu Lê Xuân Thân. (Khánh Hoà) |
Nhấn mạnh nước và điện là hai nhu cầu bức thiết, cần thiết hàng ngày, hàng giờ đối với người dân, song theo đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) dự luật vẫn thiếu vắng những nội dung về nước sạch, nước sinh hoạt. “Tại sao không đưa toàn bộ nội dung về nước sạch, nước sinh hoạt vào trong dự thảo luật này mà phải chờ. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là Chính phủ đang giao cho Bộ trình để xây dựng nhưng kiểm tra lại trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho tới giờ này, kể cả cuối năm 2014 cũng chưa thấy bóng dáng của Luật Cấp thoát nước ở đâu, như vậy có lẽ còn phải chờ đợi rất lâu nữa” - đại biểu nêu quan điểm.
Với mục tiêu đưa những quy định nào bảo đảm an sinh xã hội vào trong luật, đại biểu bày tỏ thiết tha đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa nội dung này chuyển toàn bộ các nội dung của Nghị định 117 về sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch (ban hành 2007) đã sửa đổi rất nhiều lần, hiện nay đang áp dụng chuyển vào thành một chương của Luật Tài nguyên nước.
“Đây là mong muốn thiết tha của tôi để bảo đảm tất cả những vấn đề liên quan tới điện, nước đều được luật điều chỉnh chứ không phải văn bản dưới luật” – đại biểu nhấn mạnh./.
Kim Thanh - https://dangcongsan.vn/