Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8779-1:2011 (ISO 4064-1:2005) về Đo lưu lượng nước trong ống dẫn kín chảy đầy – Đồng hồ đo nước lạnh và nước nóng – Phần 1: Yêu cầu kỹ thuật
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8779-1:2011
ISO 4064-1:2005
ĐO LƯU LƯỢNG NƯỚC TRONG ỐNG DẪN KÍN CHẢY ĐẦY – ĐỒNG HỒ ĐO NƯỚC LẠNH VÀ NƯỚC NÓNG – PHẦN 1: YÊU CẦU KỸ THUẬT
Measurement of water flow in fully charged closed conduits - Meters for cold potable water and hot water - Part 1: Specifications
Lời nói đầu
TCVN 8779-1:2011 hoàn toàn tương đương với ISO 4064-1:2005;
TCVN 8779-1:2011 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 30 Đo lưu lượng lưu chất trong ống dẫn kín biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 8779(ISO 4064) Đo lưu lượng nước trong ống dẫn kín có áp – Đồng hồ đo nước lạnh và nước nóng gồm các phần sau:
- TCVN 8779-1 (ISO 4064-1) Phần 1: Yêu cầu kỹ thuật
- TCVN 8779-2 (ISO 4064-2) Phần 2: Yêu cầu lắp đặt
- TCVN 8779-3 (ISO 4064-3) Phần 3: Phương pháp thử và thiết bị
ĐO LƯU LƯỢNG NƯỚC TRONG ỐNG DẪN KÍN CHẢY ĐẦY – ĐỒNG HỒ ĐO NƯỚC LẠNH VÀ NƯỚC NÓNG – PHẦN 1: YÊU CẦU KỸ THUẬT
Measurement of water flow in fully charged closed conduits – Meters for cold potable water and hot water – Part 1: Specifications
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các thuật ngữ, đặc tính kỹ thuật, đặc tính đo lường và yêu cầu tổn thất áp suất đối với đồng hồ đo nước lạnh và nước nóng. Tiêu chuẩn này áp dụng với các đồng hồ nước có áp suất làm việc tối đa (MAP) lớn hơn hoặc bằng 1 MPa[1] (0,6 MPa với đồng hồ có đường kính ống danh nghĩa, DN ≥ 500 mm) và nhiệt độ chịu được tối đa, MAT, với đồng hồ nước lạnh là 30 ºC và đồng hồ nước nóng tới 180 ºC, tùy theo cấp chính xác.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho cả đồng hồ nước hoạt động theo nguyên lý điện hay điện tử và đồng hồ theo nguyên lý cơ kết hợp cơ cấu điện tử được sử dụng để đo lưu lượng thể tích thực của đồng hồ nước lạnh và nóng. Tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho cả các cơ cấu điện tử phụ trợ. Nói chung các cơ cấu phụ trợ là tùy chọn.
Các yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn này áp dụng cho các đồng hồ nước, không phân biệt công nghệ, được xác định là thiết bị đo tích hợp liên tục để đo thể tích nước chảy qua.
CHÚ THÍCH Cần lưu ý là có thể ưu tiên áp dụng các quy định của quốc gia hơn các yêu cầu trong tiêu chuẩn này.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 6165:2009 (ISO/IEC Guide 99:2007), Từ vựng quốc tế về đo lường học – Thuật ngữ chung và cơ bản)1
TCVN 8779-3:2011(ISO 4064-3:2005), Đo lưu lượng nước trong ống dẫn kín có áp – Đồng hồ đo nước lạnh và nước nóng - Phần 3: Phương pháp thử và thiết bị
ISO 3:1973, Preferred numbers - Series of preferred numbers (Số ưu tiên – Dãy số ưu tiên)
ISO 228-1, Pipe threads where pressure-tight joints are not made on the threads - Part 1: Dimensions, tolerances and designation (Ống có ren tại những nơi ghép kín áp mà không được tạo ren- Phần 1: Kích thước, dung sai và thiết kế)
ISO 286-2, ISO system of limits and fits - Part 2: Tables of standard tolerance grades and limit deviations for holes and shafts (Giới hạn và phù hợp của hệ thống ISO- Phần 2: Bảng các bậc dung sai tiêu chuẩn và giới hạn về độ lệch chuẩn của các lỗ và trục)
ISO 7005-2, Metallic flanges - Part 2: Cast iron flanges (Mặt bích kim loại- Phần 2: Mặt bích bằng gang)
ISO 7005-3, Metallic flanges - Part 3: Copper alloy and composite flanges (Mặt bích kim loại- Phần 3: Các mặt bích bằng composit và hợp kim đồng)
OIML D 11:1994, General requirements for electronic measuring instruments (Yêu cầu chung cho các thiết bị đo điện tử)
OIML V 1:2000, International vocabulary of terms in legal metrology (VIML)( Từ vựng quốc tế về các thuật ngữ trong luật đo lường)
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 6165 (ISO/IEC Guide 99) và OIML V 1 và các thuật ngữ sau:
CHÚ THÍCH Các thuật ngữ từ 3.27 đến 3.43 liên quan đến thiết bị điện và điện tử.
3.1. Lưu lượng (flowrate)
Q
Tỉ số thể tích thực của nước đi qua đồng hồ đo và khoảng thời gian mà thể tích này đi qua.
3.2. Thể tích thực (actual volume)
Va
Tổng thể tích nước đi qua đồng hồ đo, không tính đến thời gian chảy.
CHÚ THÍCH Đây là đại lượng đo của đồng hồ.
3.3. Thể tích chỉ thị (indicated volume)
Vi
Thể tích nước được đồng hồ chỉ thị, tương ứng với thể tích thực.
3.4. Sai số cho phép lớn nhất (maximum permissible error)
MPE
Các giá trị cực trị của sai số số chỉ tương đối trên đồng hồ đo cho phép theo tiêu chuẩn này.
3.5. Điều kiện hoạt động danh định (rated operating conditions)
ROC
Điều kiện sử dụng bao gồm các phạm vi giá trị của các yếu tố ảnh hưởng, để sai số của giá trị chỉ thị trên đồng hồ nằm trong MPE.
3.6. Điều kiện tới hạn (limiting conditions)
LC
Các điều kiện cực trị, bao gồm lưu lượng, nhiệt độ, áp suất, độ ẩm và nhiễu điện từ (EMI) đồng hồ chịu được mà không hỏng hóc và không suy biến sai số số chỉ của nó khi hoạt động trở lại trong ROC.
CHÚ THÍCH 1 Nội dung trên liên quan đến cả LC trên và dưới
CHÚ THÍCH 2 LC của bảo quản, vận chuyển và hoạt động có thể khác nhau.
3.7. Sai số tương đối (relative error)
Sai số chỉ số chia cho thể tích thực, thể hiện bằng phần trăm.
3.8. Sai số số chỉ (error of indication)
Thể tích chỉ thị trừ đi thể tích thực
3.9. Lưu lượng danh định (permanent flowrate)
Q3
Lưu lượng lớn nhất trong ROC mà tại đó đồng hồ đo hoạt động bình thường trong khoảng sai số cho phép lớn nhất.
3.10. Lưu lượng quá tải (overload flowrate)
Q4
Lưu lượng lớn nhất tại đó đồng hồ đo hoạt động một thời gian ngắn trong MPE, trong khi vẫn duy trì tính năng đo lường khi hoạt động trở lại trong ROC.
3.11. Lưu lượng nhỏ nhất (minimum flowrate)
Q1
Lưu lượng thấp nhất mà tại đó đồng hồ đo vẫn hoạt động trong khoảng MPE.
3.12. Lưu lượng chuyển tiếp (transitional flowrate)
Q2
Lưu lượng nằm giữa lưu lượng danh định, Q3, và lưu lượng nhỏ nhất, Q1, chia khoảng lưu lượng hoạt động thành hai vùng, "vùng trên"và "vùng dưới", mỗi vùng có MPE riêng.
3.13. Nhiệt độ làm việc cho phép nhỏ nhất (minimum admissible working temperature)
mAT
Nhiệt độ nhỏ nhất mà đồng hồ có thể làm việc ổn định với áp suất bên trong, mà không giảm tính năng đo lường.
3.14. Nhiệt độ làm việc cho phép lớn nhất (maximum admissible working temperature)
MAT
Nhiệt độ lớn nhất mà đồng hồ có thể làm việc ổn định với áp suất bên trong, mà không giảm tính năng đo lường.
CHÚ THÍCH mAT và MAT tương ứng với giới hạn trên và dưới của nhiệt độ làm việc trong ROC.
3.15. Áp suất làm việc cho phép nhỏ nhất (minimum admissible working pressure)
mAP
Áp suất nhỏ nhất mà đồng hồ đo có thể làm việc ổn định trong ROC, mà không giảm tính năng đo lường.
3.16. Áp suất làm việc cho phép lớn nhất (maximum admissible working pressure)
MAP
Áp suất lớn nhất mà đồng hồ đo có thể làm việc ổn định trong ROC, mà không giảm tính năng đo lường.
CHÚ THÍCH mAP và MAP tương ứng với giới hạn trên và dưới của áp suất làm việc trong ROC.
3.17. Nhiệt độ làm việc (working temperature)
T'w
Nhiệt độ trung bình của nước trong đường ống, được đo phía dòng vào và phía dòng ra của đồng hồ đo.
3.18. Áp suất làm việc (working pressure)
Pw
Áp suất trung bình của nước trong đường ống, được đo phía dòng vào và phía dòng ra của đồng hồ đo.
3.19. Tổn hao áp suất (pressure loss)
Dp
Tổn hao áp suất tại lưu lượng xác định do sự có mặt của đồng hồ đo trong đường ống.
3.20. Đồng hồ nối tiếp (in-line meter)
Kiểu loại đồng hồ nước được lắp vào đường ống dẫn kín bằng các đầu kết nối của đồng hồ (ren hoặc bích).
3.21. Đồng hồ kết hợp (combination meter)
Kiểu đồng hồ nối tiếp bao gồm một đồng hồ đo lưu lượng cỡ lớn, một đồng hồ đo lưu lượng cỡ nhỏ và một thiết bị chuyển dòng, tùy thuộc vào độ lớn của lưu lượng đi qua đồng hồ đo, tự động trực tiếp dẫn dòng qua đồng hồ nhỏ hoặc lớn hoặc cả hai.
CHÚ THÍCH Số chỉ của đồng hồ thu được từ hai bộ đếm tổng hoặc một bộ đếm tổng cộng cả hai giá trị của hai đồng hồ.
3.22. Đồng hồ đồng tâm (concentric meter)
Kiểu đồng hồ nước được lắp vào một ống dẫn kín qua một thiết bị trung gian gọi là ống góp, trong đó đầu vào và đầu ra của đồng hồ và ống góp đồng trục tại bề mặt tiếp giáp giữa chúng.
3.23. Ống góp đồng hồ đồng tâm (concentric meter manifold)
Đường ống lắp riêng dùng để nối với một đồng hồ đồng tâm.
3.24. Đồng hồ hoàn chỉnh (complete meter)
Đồng hồ không có bộ chuyển đổi đo có thể tách rời (gồm cảm biến lưu lượng) và bộ đếm (gồm cả cơ cấu chỉ thị).
3.25. Đồng hồ hỗn hợp (combined meter)
Đồng hồ có bộ chuyển đổi đo (gồm cảm biến lưu lượng) và bộ đếm (gồm cơ cấu chỉ thị).
3.26. Cảm biến lưu lượng (flow sensor)
Cảm biến thể tích (volume sensor)
Bộ phận của đồng hồ đo (có thể là một cái đĩa, pitong, bánh xe, tua bin hoặc cuộn cảm biến) có chức năng nhận biết lưu lượng hoặc thể tích nước chảy qua đồng hồ đo.
3.27. Bộ chuyển đổi đo (measurement transducer)
Bộ phận của đồng hồ đo biến đổi lưu lượng hoặc thể tích cần đo thành tín hiệu chuyển qua bộ đếm.
CHÚ THÍCH 1: Bộ chuyển đổi này có thể dựa trên nguyên lý cơ học, điện hoặc điện tử và có thể độc lập hoặc sử dụng nguồn điện bên ngoài.
CHÚ THÍCH 2: Trong tiêu chuẩn này, bộ chuyển đổi đo bao gồm cảm biến lưu lượng hoặc cảm biến thể tích.
3.28. Bộ đếm (calculator)
Bộ phận của đồng hồ nhận tín hiệu đầu ra từ bộ chuyển đổi đo và từ các phương tiện đo phụ trợ chuyển đổi chúng thành kết quả đo, nếu thích hợp, kết quả trong bộ nhớ vẫn được lưu giữ.
CHÚ THÍCH Ngoài ra, bộ đếm còn có khả năng liên lạc hai chiều với các cơ cấu phụ trợ.
3.29. Cơ cấu chỉ thị (indicating device)
Bộ phận của đồng hồ hiển thị kết quả liên tục hoặc theo yêu cầu.
CHÚ THÍCH Cơ cấu in thì không phải là cơ cấu chỉ thị, mà chỉ cung cấp số chỉ tại thời điểm kết thúc phép đo.
3.30. Chỉ thị sơ cấp (primary indication)
Chỉ thị (hiển thị, in hoặc ghi nhớ) chịu sự kiểm soát của đo lường pháp định
3.31. Cơ cấu điều chỉnh (adjustment device)
Được tích hợp trong đồng hồ, cho phép đường cong sai số dịch chuyển song song với chính nó nhằm đảm bảo sai số số chỉ tương đối nằm trong phạm vi sai số cho phép lớn nhất.
3.32. Cơ cấu hiệu chính (correction device)
Thiết bị ghép nối với đồng hồ hoặc tích hợp trong đồng hồ, để hiệu chính tự động thể tích tại điều kiện đo theo lưu lượng và/hoặc các đặc trưng của nước cần đo (ví dụ nhiệt độ và áp suất) và đường cong hiệu chuẩn đã được thiết lập trước.
CHÚ THÍCH Các đặc trưng cần đo của nước có thể đo bằng các phương tiện đo tương ứng hoặc được lưu trữ trong bộ nhớ của phương tiện đo.
3.33. Cơ cấu phụ (ancillary device)
Thiết bị dùng để thực hiện một chức năng riêng liên quan trực tiếp đến việc phân tích, truyền hoặc hiển thị kết quả đo.
CHÚ THÍCH : Các cơ cấu phụ trợ bao gồm:
– Cơ cấu điều chỉnh về “zêrô”;
– Cơ cấu chỉ thị giá tiền;
– Cơ cấu chỉ thị lặp lại;
– Cơ cấu in;
– Cơ cấu lưu trữ;
– Cơ cấu kiểm soát giá;
– Cơ cấu đặt trước;
– Cơ cấu tự phục vụ.
3.34. Phương tiện đo phụ trợ (associated measuring instruments)
Phương tiện đo ghép nối với bộ đếm, cơ cấu hiệu chính hoặc cơ cấu chuyển đổi để đo đại lượng nào đó đặc trưng của nước nhằm mục đích để hiệu chính và/ hoặc chuyển đổi.
3.35. Cơ cấu điện tử (electronic device)
Thiết bị sử dụng các khối lắp ráp điện tử phụ và thực hiện một chức năng đã định.
CHÚ THÍCH 1: Các cơ cấu điện tử được chế tạo thành những chi tiết riêng biệt và có thể thử nghiệm độc lập.
CHÚ THÍCH 2: Các cơ cấu điện tử, theo định nghĩa trên, có thể là đồng hồ hoàn chỉnh hoặc các bộ phận của đồng hồ.
3.36. Khối lắp ráp điện tử phụ (electronic sub-assembly)
Một phần của cơ cấu điện tử được chế tạo từ các linh kiện điện tử và có chức năng riêng của chúng.
3.37. Linh kiện điện tử (electronic component)
Phần tử vật lý nhỏ nhất sử dụng electron hoặc lỗ trống trong chất bán dẫn, khí hoặc chân không.
3.38. Phương tiện kiểm tra (checking facility)
Phương tiện được tích hợp bên trong đồng hồ có cơ cấu điện tử có khả năng phát hiện lỗi đáng kể và tác động lên chúng.
CHÚ THÍCH Việc kiểm tra cơ cấu truyền tin nhằm kiểm tra tất cả các thông tin truyền đi có được thiết bị thu nhận đầy đủ hay không.
3.39. Phương tiện kiểm tra tự động (automatic checking facility)
Phương tiện kiểm tra hoạt động mà không có sự can thiệp của người vận hành.
3.40. Phương tiện kiểm tra tự động liên tục kiểu P (type P permanent automatic checking facility) Phương tiện kiểm tra tự động duy trì hoạt động trong suốt quá trình thực hiện phép đo.
3.41
Phương tiện kiểm tra tự động không liên tục kiểu I (type I intermittent automatic checking facility) Phương tiện kiểm tra tự động hoạt động tại những khoảng thời gian nhất định nào đó hoặc theo một số chu kỳ đo cố định.
3.42. Phương tiện kiểm tra không tự động kiểu N (type N non-automatic checking facility) Phương tiện kiểm tra cần người điều khiển tác động.
3.43. Nguồn cung cấp (power supply device
Thiết bị cung cấp điện năng theo yêu cầu cho các cơ cấu điện tử, sử dụng một hoặc vài nguồn a.c hoặc d.c.
3.44. Lỗi (fault)
Độ lệch giữa sai số số chỉ và sai số cơ bản của đồng hồ đo.
3.45. Lỗi đáng kể (significant fault)
Lỗi có độ lớn lớn hơn ½ giá trị sai số cho phép lớn nhất của "vùng trên".
CHÚ THÍCH Lỗi sau đây không xem là lỗi đáng kể:
– Lỗi xuất hiện do các nguyên nhân xảy ra đồng thời và độc lập với nhau trong bản thân đồng hồ hoặc trong các phương tiện kiểm tra của nó.
– Lỗi tạm thời là dao động chốc lát trên chỉ thị, nó không được thể hiện, lưu trữ hoặc truyền đi giống như kết quả đo.
3.46. Đại lượng ảnh hưởng (influence quantity)
Đại lượng không phải là đại lượng đo nhưng có ảnh hưởng đến kết quả của phép đo.
3. 47. Điều kiện chuẩn (reference conditions)
Tập hợp các giá trị chuẩn hoặc phạm vi chuẩn của các đại lượng ảnh hưởng được quy định để thử nghiệm tính năng làm việc của đồng hồ đo hoặc so sánh các kết quả đo lẫn nhau.
3.48. Sai số cơ bản (intrinsic error)
Sai số số chỉ của đồng hồ đo được xác định dưới điều kiện chuẩn.
3.49. Sai số cơ bản ban đầu (initial intrinsic error)
Sai số cơ bản của đồng hồ đo được xác định trước khi tiến hành tất cả các phép thử tính năng.
3.50. Yếu tố ảnh hưởng (influence factor)
Đại lượng ảnh hưởng có giá trị nằm trong giới hạn quy định của tiêu chuẩn này nhưng nằm ngoài khoảng quy định trong ROC của đồng hồ.
3.51. Nhiễu (disturbance)
Đại lượng ảnh hưởng có giá trị nằm trong giới hạn cho phép được quy định trong tiêu chuẩn này của, nhưng nằm ngoài ROC của đồng hồ.
CHÚ THÍCH Đại lượng ảnh hưởng được coi là nhiễu nếu đại lượng đó không được quy định trong ROC.
3.52. Bộ phận sơ cấp của cơ cấu chỉ thị (first element of the indicating device)
Bộ phận mà trong cơ cấu chỉ thị gồm một vài phần tử mang thang chia với độ chia kiểm định.
3.53. Độ chia kiểm định (verification scale interval)
Giá trị vạch chia nhỏ nhất của bộ phận sơ cấp của cơ cấu chỉ thị.
3.54. Thiết bị được thử nghiệm (equipment under test)
EUT
Đồng hồ đo hoàn chỉnh, khối lắp ráp phụ của đồng hồ hoặc cơ cấu phụ trợ.
3.55. Khối lắp ráp phụ (sub-assembly)
Bộ chuyển đổi đo (bao gồm cảm biến lưu lượng) và cơ cấu chỉ thị (bao gồm bộ đếm) của đồng hồ hỗn hợp.
3.56. Lưu lượng thử nghiệm (test flowrate)
Lưu lượng trung bình trong suốt phép thử, tính được từ số chỉ của thiết bị chuẩn hiệu chuẩn, bằng tỷ số của thể tích thực của nước đi qua đồng hồ đo chia cho thời gian thể tích nước đi qua.
3.57. Đường kính danh nghĩa (nominal diameter)
Kích thước thiết kế bằng số các thành phần của hệ thống đường ống, được sử dụng làm chuẩn.
CHÚ THÍCH Đường kính danh nghĩa thường được ký hiệu bằng chữ DN đi kèm một số nguyên không thứ nguyên liên quan trực tiếp với kích thước vật lý theo milimét của lỗ , hoặc đường kính ngoài tại các đầu nối cuối.
3.58. Thiết bị chuyển đổi (conversion device)
Thiết bị tự động chuyển đổi thể tích đo được tại điều kiện đo sang thể tích ở điều kiện cơ bản, hoặc sang khối lượng, bằng cách tính đến các đặc tính của chất lỏng (nhiệt độ, áp suất, mật độ, mật độ tương đối) đã được đo bằng các thiết bị đo lường phụ trợ, hoặc lưu trữ trong bộ nhớ bằng phương tiện kiểm tra tự động hoạt động trong những khoảng thời gian nhất định hoặc trong một số chu kỳ đo cố định.