(PLO)- Tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, tăng nguy cơ gây sụt lún trên địa bàn TP.HCM.
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định thực hiện Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm trên địa bàn TP năm 2022.
Theo đó, TP đặt mục tiêu đảm bảo cung cấp nước an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đồng thời, hạn chế khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan trên địa bàn TP.
Đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân
TP.HCM đặt ra mục tiêu trong năm 2022 giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch dưới 18,46% và duy trì tỉ lệ 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Ngoài ra, TP sẽ tập trung đầu tư mở rộng và cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước. Cạnh đó, ưu tiên đầu tư các dự án đảm bảo cấp nước an toàn và chống thất thoát nước sạch.
TP.HCM cũng sẽ tiếp tục lắp đặt thí điểm công trình cung cấp nước uống tại vòi ở các khu vực công cộng như công viên, trường học, bệnh viện. Đồng thời, tuyên truyền và nâng cao ý thức người dân, cộng đồng trong việc sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe.
Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa lấp giếng khoan quận Tân Phú, TP.HCM ngày 16-6. Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
Ông Nguyễn Văn Đắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết: Xác định việc giảm khai thác nước ngầm và cấp nước an toàn là nhiệm vụ trọng tâm, Sawaco và các công ty cấp nước thành viên luôn nỗ lực cấp nước chất lượng, an toàn cho 20/21 quận, huyện và TP Thủ Đức với hơn 1,5 triệu đồng hồ nước. Công ty tiếp tục giữ vững thành quả cung cấp nước sạch cho 100% hộ dân TP.
Hiện tại, Sawaco đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm, đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục. Công ty sẽ nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỉ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 17,5%.
Để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích sử dụng nước sạch thay cho nước ngầm nhằm đảm bảo sức khỏe, Sawaco luôn cung cấp nguồn nước sạch liên tục, chất lượng, đồng thời vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm.
“Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ có giá bán sỉ nước hợp lý. Đó cũng chính là trách nhiệm của Sawaco trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ môi trường. Từ đó, hướng đến phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, khi sự biến đổi khí hậu đang dần gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe nhân dân” - ông Đắng thông tin.
Tiến hành trám, lấp nhiều giếng khoan
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tiến tới chấm dứt khai thác nước dưới đất, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện việc hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất. Cạnh đó, cần trám lấp giếng theo quy định nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, hạn chế các nguy cơ do khai thác nước dưới đất gây ra.
Công ty Sawaco cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị đặt ra là phối hợp cùng các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch “giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025”.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, đánh giá tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, không kiểm soát là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nguồn tài nguyên nước, tăng nguy cơ gây sụt lún trên địa bàn TP. Ngoài ra, việc sử dụng nước giếng khoan, chưa qua xử lý có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Theo ông Bình, để thực hiện kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan, kế hoạch thực hiện chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, UBND quận Tân Phú đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện về giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn quận.
“Quận sẽ thông qua công tác tuyên truyền, vận động để tổ chức hộ cá nhân hiểu tiến tới ngưng khai thác nước ngầm và thực hiện trám lấp các giếng khoan” - ông Bình cho hay.•
* Lượng hộ dân khai thác nước ngầm để sinh hoạt giảm dần
Theo Sở TN&MT TP.HCM, lộ trình giảm khai thác nước ngầm đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Cụ thể, đến cuối năm 2023, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn TP.HCM còn 150.000 m3/ngày. Đến cuối năm 2025, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn TP còn 100.000 m3/ngày.
Đồng thời, TP.HCM đặt mục tiêu đảm bảo việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất phải gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Hằng năm, Sở TN&MT đều phối hợp với các địa phương để rà soát danh sách hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt. Sở cho biết qua rà soát cho thấy số lượng hộ dân khai thác nước ngầm để sinh hoạt giảm dần theo từng năm.
Tuy nhiên, có một số địa bàn như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi… việc hạn chế khai thác nước ngầm còn gặp nhiều khó khăn. Để hạn chế việc khai thác nước ngầm tại các địa phương này, Sở TN&MT đã lập kế hoạch hỗ trợ kinh phí trám lấp các giếng khoan cho người dân, trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt.
NGUYỄN CHÂU
Nguồn: plo.vn